Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Một số tư liệu về dòng họ


1. Sơ lược lịch sử quê hương và dòng họ.
Mảnh đất ấp Diêm Điền ngày xưa cách đây hơn 500 năm, nay là xã Tây Giang trù phú xinh đẹp nằm ở phía Tây huyện Tiền Hải, Bắc giáp thị trấn, Đông giáp xã Tây Sơn và xã Đông Lâm, Nam giáp xã Tây Tiến và xã Tây Phong, Tây giáp xã Phương Công và xã An Ninh.

Theo lịch sử đất Thái Bình và Tiền Hải là đất biển bồi, ở đâu có đất có thể khai phá trồng trọt sinh sống được là có người. Giồng đất từ Cồn trắng Quân bắc qua Công Bồi, Cổ Rồng, Trình Nhì, thôn Bắc, Tiểu Hoàng, Đại Hoàng đã có từ thế kỷ XII, XIII. Ngày ấy dân ở còn lác đác. Các địa danh này chưa có tên. Cuối thế kỷ XIII, quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ II năm 1285, đạo quân của Trần Hưng Đạo do tướng Yết Kiêu chỉ huy chặn thuyền địch không cho ngược đường sông Hồng về Thăng Long. Nghĩa quân đi qua thấy vùng đất rộng, có cây quế lớn đã dừng lại nghỉ chân. Chỗ đó thuộc khu vực thôn Bắc hiện nay. Sau để ghi nhớ công lao to lớn của đức Trần Hưng Đạo, nhân dân Diêm Điền đã dựng ngôi đền thờ gọi là đền Bắc hay đền Quế (vì có cây quế lớn). Trong đền có tấm bia đá “Linh từ bi ký” (Bia ghi ở đền thiêng).
Buổi ban đầu, dân ấp Diêm Điền cùng với dân ấp Tiểu Hoàng, Phương Trạch, Công Bồi đắp con đê ngăn nước mặn từ Ngoại đê ra cầu Các Già, ra cánh đồng Phương Trạch. Có đắp được đê, dân trong đê mới yên ổn làm ăn, cày cấy. Dân cư các dòng họ từ Thanh Hoá, Nghệ An, Nam Định, La Điền, Bổng Điền, … lại tiếp tục đổ về tìm nơi có đất để khai phá. Theo gia phả các dòng họ và tấm bia đá còn lại ở chùa Thư Điền hiện nay thì cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII ở Diêm Điền có 13 dòng họ là : họ Tạ, họ Lê, họ Phạm, họ Hà, họ Tô, họ Lương, họ Đỗ, họ Nguyễn, họ Trần, họ Chu, họ Vi, họ Cao, họ Bùi.
Năm 1831, đời vua Minh Mạng đặt lại địa giới hành chính, đổi ấp Diêm Điền thành xã Diêm Điền thuộc tổng An Bồi, huyện Chân Định phủ Kiến Xương tỉnh Nam Định. Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương cho thành lập tỉnh Thái Bình gồm phủ Tiên Hưng của tỉnh Hưng Yên, phủ Kiến Xương và phủ Thái Bình của tỉnh Nam Định. Ngày 28/11/1894, Thực dân Pháp cho tách thêm 2 huyện của 2 tỉnh trên và sắp xếp lại các đơn vị hành chính của tỉnh Thái Bình gồm 12 phủ huyện. Xã Diêm Điền thuộc phủ Kiến Xương. Thời kỳ này, biển đã lùi xa và nhân dân không còn làm muối, mặt khác trùng tên với xã Diêm Điền của Thuỵ Anh, hơn nữa trong xã có nhiều người học hành giỏi đỗ cao được triều đình nhà Nguyễn phong Tước hầu, Tước bá có danh tiếng. Năm 1910, các cụ xin đổi tên xã Diêm Điền thành làng Thư Điền (nghĩa là sách và ruộng) gồm có 4 thôn : thôn Đông, thôn Nam, thôn Đoài, thôn Bắc thuộc tổng An Bồi, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Từ Cách mạng tháng Tám 1945, làng Thư Điền thuộc về huyện Tiền Hải. Tháng 3/1949 làng Thư Điền cùng với các làng Tiểu Hoàng, Hoàng Tân, An Khang thuộc xã Công Trứ. Sau Cải cách ruộng đất (1956), Thư Điền lại tách về xã cũ và đổi tên là xã Tây Giang từ đó đến nay.
Thư Điền cũng là đất “Địa linh nhân kiệt”, thời kỳ nào cũng có nhiều người có công với dân với nước và được Nhà nước phong tặng khen thưởng.
Thư Điền có ba di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng, đó là :
- Đình Làng (còn gọi là Đình Chính hay là Đình Tổ) thờ Thuỷ Đức Tôn thần hiệu Quảng Lợi Đại vương và Điện tiền đô chỉ huy sứ Tạ Quốc Công là di tích kiến trúc nghệ thuật xây dựng thời Nguyễn năm 1915. Trong Đình còn lưu giữ 11 sắc phong (Triều Lê có 5, Triều Nguyễn có 6), trong đó có 3 sắc tặng phong đức Tạ Quốc Công. Trong sắc năm Khải Định thứ 2 (1917) có viết :
“Sắc Thái Bình tỉnh, Kiến Xương phủ, Thư Điền xã phụng sự Tạ Quốc công đức cữu đại tướng quân tôn thần, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, diến niệm thần hưu, trứ phong vi Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Chuẩn kỳ phụng sự, thứ cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Khải Định nhị niên, tam nguyệt, thập bát nhật”.
 Hình : Sắc phong cụ Tạ Quốc Công năm 1917 trong Đình Tổ
Dịch nghĩa :
“Sắc xã Thư Điền, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình phụng thờ tôn thần Tạ Quốc công đức cữu đại tướng quân, linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt. Nay Trẫm được kế thừa mệnh lớn, tưởng nhớ sâu xa công đức tốt đẹp của thần, phong tặng rõ ràng là tôn thần Dực bảo trung hưng linh phù (tôn thần phò giúp nền chính trị thịnh trị, linh thiêng phò giúp). Chuẩn cho xã ấy phụng thờ thần, ngõ hầu thần sẽ che chở, bảo vệ dân ta.
Kính thay!
Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định 2”.
- Nhà thờ họ Tạ thờ các vị có công với làng với nước, gắn với dòng họ Tạ. Nhà thờ được xây dng năm Tân Mùi (1691) trên đất cụ Sơ Hoàng Thủy tổ khi mới về lập ấp. Đến giữa thế kỷ XIX, Nhà thờ họ được tôn tạo lại. Người bỏ tiền của trợ giúp là cụ Tạ Ngọc Rư (đời thứ 9). Từ năm 1934 đến năm 1936, cụ Tạ Xuân Mậu (đời thứ 11) là người đứng ra tổ chức quy lăng mộ Tổ và xây dựng lại Nhà thờ họ (mở rộng thành 3 cung như hiện nay), sắm sanh đồ thờ tự (khám thờ, các bài vị, long đình, bát bửu, v.v...). Kiến trúc Nhà thờ 3 tòa, ch "Tam", xây kiểu cuốn vòm, hồi văn 3 đấu. Tòa Bái đường hiên cuốn giả hiên tây, trên đỉnh đắp 4 ch Hán "Tạ tộc t đường". Trong Hậu cung, gian chính gia đặt ngai thờ, bài vị cụ tổ Tạ Đình Ninh, ban thờ hai bên đặt bát hương và bài vị các cụ tổ t đời th 2 đến đời th 11. Cổ vật có 4 sắc phong thời Lê phong chc tước cho các vị họ Tạ ; bản gia phả ch Hán viết năm 1841 và nhiều hoành phi, câu đối, đại t thời Nguyễn có nội dung giáo dục các thế hệ con cháu về tinh thần đạo đức làm người và học tập nâng cao kiến thức. Dưới đây giới thiệu 4 sắc phong qua bản dịch của nhà Hán học Ngô Thế Long phiên âm và dịch nghĩa.
1- Sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742)
“Sắc cho ông Tạ Đình Trật, chức Tiến công thứ lang, làm Huyện thừa huyện Thần Khê, đã có công lãnh đạo các đinh phu đi theo quan phủ dụ để đánh bọn giặc, chém đầu giặc tại trận. Quan Phủ dụ đề nghị lên triều đình cho thăng chức. Đáng thăng chức Tiến Công thứ lang, Điền tiền tư (ty)… … … Nay ban sắc”.
Ngày 10 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742).
2- Sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755)
“Sắc cho ông Tạ Đình Duyên, quán xã Diêm Điền, huyện Chân Định, là người đã lãnh đạo đội Tứ Nghĩa cùng với Cung Thọ bá theo Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc, theo chúa đi đánh giặc ở Tây đạo, có được dự ban thưởng nhiều lần làm đệ tử. Đã có chỉ chuẩn ban cho chức Huyện thừa.
Đáng ban cho làm chức Huyện thừa huyện Kim Sơn, hàm Tiến công thứ lang. Hạ chế. Nay ban sắc”.
Ngày 22 tháng 12 năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755).
3- Sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783)
“Sắc cho ông Tạ Đình Thuần, chức Đội trưởng, quán xã Diêm Điền, huyện Chân Định, trong năm Nhâm Dần (1782) Triều đình có việc phong tước vương. Ông đã theo chư quân làm việc phò lập, trong đó đơn vị Trung Nhuệ quân doanh thuộc quân chủ lực làm việc bảo vệ kinh đô lập công giữ yên xã tắc. Đã có chỉ chuẩn y thăng cấp một bậc, nên thăng chức Bá hộ ... Đáng thăng chức làm Phấn lực tướng quân mệnh tư Tráng sĩ, Bá hộ. Hạ chế. Nay ban sắc”.
Ngày 26 tháng 2 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783).
Hình: Nhà thờ họ Tạ
4- Sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785)
“Sắc cho ông Tạ Đình Tước, Nho sinh, quê xã Diêm Điền, huyện Chân Định, là người đã được quan Thượng thư Bộ Lại, Phụ quốc công thần, gia Tá lý công thần, nhập thị Tham tụng, Quốc lão tham dự triều chính, Đại tư không viện, tước Quận công Hoàng Ngũ Phúc tiến cử lên triều đình làm quan, lại xin tặng cho chức. Đáng chuẩn cho chức Thiếu khanh. Vậy nên cho làm chức Thiếu khanh ở điện Kim Long, hàm Mậu lâm tá lang. Hạ chế. Nay ban sắc”.
Ngày 27 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785).
Tại chính tòa Nhà thờ họ có đôi câu đối gỗ do cụ Tạ Xuân Mậu (đời thứ 11) và cụ Tạ Quốc Thưởng (đời thứ 12) kính dâng, có nội dung dịch nghĩa:
“Tổ tông tích đức lớn lao sao! Dòng họ ta trở nên bền vững,
Buổi đầu dựng nghiệp tốt đẹp thay! Trăm đời sau không được chuyển dời”.
Từ năm 1985 đến năm 2010, các thế hệ con cháu họ Tạ đã tiến cúng, đóng góp tiền của, từng bước tu sửa tôn tạo lăng mộ Tổ, Nhà thờ họ, dựng đài tưởng niệm các liệt sĩ của dòng họ, xây cổng, mở rộng khuôn viên, xây dậu bao quanh, phục chế lại các sắc phong, v.v...
- Chùa Thư Điền: Cây đa ở chùa ngày 01/5/1930 treo cờ đỏ búa liềm kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động và tuyên truyền cho sự ra đời của Đảng. Chùa còn là nơi hội họp của cán bộ cách mạng thời kỳ bí mật.
Từ những căn cứ trên, ngày 30/10/1990, Bộ Văn hoá Thông tin đã ra quyết định số 1214/VHQĐ công nhận : “Đình Chính, Nhà thờ họ Tạ, chùa Thư Điền là cụm di tích lịch sử văn hoá”. Ngày 20/3/1992 (tức ngày 17/02 Nhâm Thân) các cấp lãnh đạo và nhân dân xã Tây Giang cùng với các thế hệ con cháu họ Tạ và các tăng ni, tín đồ Phật tử chùa Thư Điền đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa của Nhà nước cấp và mở lễ hội.
Khu lăng mộ Tổ được quy tập lại từ năm 1934 bao gồm các cụ từ đời thứ nhất đến đời thứ 6 tại nghĩa trang thôn Đoài do công lao của cụ Tạ Xuân Mậu đời thứ 11 tạo dựng. Năm 2007 đã được tôn tạo lại.
* * *
Tổ tiên của dòng họ Tạ ở đất Thư Điền đã để lại cho các thế hệ con cháu hiện nay và sau này 2 di sản quý. Đó là:
1. Ngôi Từ đường rộng rãi, khang trang và Khu lăng mộ Tổ,
2. Cuốn Gia phả được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Tổ tiên của dòng họ Tạ ở đất Thư Điền còn giáo dục và đào tạo được lớp người qua các thế hệ có nhiệt tình, tâm huyết với dòng họ, biết kế thừa, giữ gìn những gì của Tổ tiên để lại.
- Luôn giữ gìn, tu bổ tôn tạo Từ đường,
- Giữ gìn, bổ sung, tu chỉnh Gia phả,
- Quy tụ được hầu hết các thế hệ con cháu về cội nguồn quê hương đất Tổ.
Đây là nét đặc trưng của dòng họ Tạ ở đất Thư Điền. Với những truyền thống tốt đẹp của dòng họ và cứ với đà phát triển như những năm qua, với ý thức hướng về cội nguồn của các thế hệ con cháu trong họ xa gần rồi đây họ ta sẽ còn làm được nhiều việc lớn, có ý nghĩa thiết thực hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét