Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

Những kết luận của luận văn


Thạc sĩ khoa học lịch sử Phạm Thị Thúy

Về mặt nhận thức tư tưởng, trong xã hội Việt Nam ai mà không có lòng yêu thương cha mẹ, kính trọng ông bà tổ tiên, đó là một tình cảm thiêng liêng gắn liền giữa người quá khứ với người hiện tại và đề cao trách nhiệm giữa người hiện tại với thế hệ tương lai. 

Qua quá trình nghiên cứu về lịch sử - văn hóa dòng họ Tạ ở Tây Giang, Tiền Hải, Thái Bình có thể rút ra một số kết luận sau:

Thứ nhất, Thư Điền (Tây Giang ngày nay) là một trong số ít làng cựu ở Tiền Hải, Thái Bình. Ngày nay, Tây Giang dù đã mang trong mình diện mạo mới nhưng vẫn không đánh mất nét đẹp cổ kính vốn có. Người dân nơi đây có truyền thống khai hoang mở đất, đánh giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương, có tinh thần hiếu học, nhiều người con của quê hương đã đóng góp tài năng và sức lực cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc như: Trần Độ (Tạ Ngọc Phách), Tạ Xuân Thu, Tạ Thị Câu, Tạ Ngọc Lam,… Họ là những người đã trải qua bao gian lao, thử thách của hai cuộc kháng chiến, đóng góp vào thành công chung của sự nghiệp cách mạng nước ta.

Thứ hai, Ngay từ khi đến mở đất Diêm Điền cho tới ngày nay, con cháu họ Tạ qua bao đời vẫn không ngừng phát huy truyền thống của dòng họ, ra sức xây dựng quê hương. Con cháu họ Tạ ở Tây Giang vẫn luôn được tín nhiệm, đảm nhận những công việc quan trọng của địa phương. Không ít người làm Lý trưởng, Phó lý, Dịch mục, nhà nho, nhà giáo… Trải qua hơn 5 thế kỷ, với đức tính cần cù, chịu khó, thật thà, chất phác, các thế hệ con cháu họ Tạ đã không ngừng tham gia sản xuất. Và ngày nay, khi hòa bình lặp lại, con cháu họ Tạ lại nỗ lực lao động sản xuất để tạo tiềm lực kinh tế mạnh mẽ cho bản thân, dòng họ và cho sự phát triển chung của cả nước. Dòng họ Tạ có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển chung của địa phương. Nhưng truyền thống và cống hiến đáng chú ý hơn cả là truyền thống cách mạng. Tính riêng thời kỳ cận hiện đại, dòng họ đã có không ít những cái tên, những tấm gương trung kiên, ưu tú hoạt động hết mình cho sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc. Cho đến ngày nay, khi đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, con cháu họ Tạ lại không ngừng tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Qua quá trình nghiên cứu về dòng họ Tạ, chúng ta cũng thấy rằng gia phong dòng tộc rất là quan trọng đối với mỗi người dân đất Việt, nhất là truyền thống uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ và truy tôn tổ tiên.

Thứ ba, lịch sử của dòng họ Tạ cũng có những bước phát triển thăng trầm, không phải đời nào cũng có những cá nhân tiêu biểu. Dòng họ phát triển mạnh vào thời Nguyễn và đặc biệt là trong thời kỳ cận - hiện đại. Dù trải qua bao thăng trầm như vậy, các dòng họ nói chung và dòng họ Tạ nói riêng đều có chung truyền thống thiêng liêng đó là lòng yêu nước, luôn hướng về cội nguồn, thờ cúng tổ tiên. Cũng vì lẽ đó, mà hiện nay vấn đề con cháu hướng về cội nguồn, góp công, góp của, góp sức xây dựng nơi thờ tự tổ tiên, từ đường, tham gia các việc họ như: giỗ họ, chạp họ, lập quỹ khuyến học, hòm công đức… đã và đang trở thành phong trào văn hóa dòng họ ở nhiều nơi.

Thứ tư, văn hóa dòng họ bao gồm những giá trị vật thể (như bi ký, gia phả, từ đường, lăng mộ…), các giá trị tinh thần (như bề dày truyền thống của dòng họ, quy ước dòng họ, việc thờ cúng tổ tiên và nghi lễ) và giá trị xã hội (tổ chức dòng họ, cơ chế vận hành dòng họ, vai trò trưởng họ, mối quan hệ giữa các thành viên nội tộc, mối quan hệ với xã hội…). Các giá trị đó được hình thành, củng cố và phát triển dựa trên cơ sở những hành vi văn hóa vừa kế thừa chọn lọc các giá trị cổ truyền, vừa quy nạp thêm các giá trị mới mang tính nhân bản, tiến bộ; là công sức và đóng góp của mỗi thành viên dòng họ. Bởi vậy, văn hóa dòng họ chính là của sự yêu thương, đùm bọc, đoàn kết, tương trợ giữa các thành viên trong dòng họ để rồi phát triển lên thành tính cố kết cộng đồng làng xã và từ đó là nền tảng cơ sở hình thành nên nền văn hóa dân tộc đáng trân trọng của chúng ta.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế như ngày nay, văn hóa gia đình, dòng họ ở nhiều nơi có dấu hiệu mai một giá trị truyền thống,  có một bộ phận khá lớn ở người trẻ tỏ ra rất thờ ơ với truyền thống văn hoá của cha ông, họ có lối sống coi trọng đồng tiền, xem thường đạo lí gia phong. Lối sống thực dụng đã làm cho không ít người xem nhẹ giá trị tình cảm với anh em, người thân họ hàng. Tình trạng con cháu sống thất hiếu, thất lễ với ông bà, cha mẹ đang ngày càng đáng lo ngại. Chính vì vậy, nghiên cứu về dòng họ Tạ một cách đầy đủ và có hệ thống nhằm giáo dục cho con cháu hiểu biết sâu sắc về cội nguồn; nhằm trao truyền, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá cao đẹp của dòng họ Tạ là một vấn đề rất cần thiết trong bối cảnh ngày nay. Nói rộng hơn, nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa với những con cháu của dòng họ Tạ mà còn có giá trị đối với lịch sử dân tộc, và còn có ý nghĩa đối với riêng cá nhân tôi. Tuy không phải là con cháu của dòng họ Tạ, nhưng đi sâu vào nghiên cứu dòng họ Tạ giúp tôi có ý thức hơn nữa về cội nguồn dân tộc mình, tự hào về quê hương đất nước, tự hào bởi nơi tôi sinh ra - Thái Bình, để từ đó mỗi người trong chúng ta kề vai, sát cánh xây dựng quê hương góp phần thực hiện thành công nghị quyết Trung ương V, khóa VIII về việc “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét