Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

Vùng đất, con người xã Tây Giang


Thạc sĩ khoa học lịch sử Phạm Thị Thúy

Xã Tây Giang xưa có tên là ấp Diêm Điền, sau đổi thành làng Thư Điền là một xã nhỏ xinh đẹp, trù phú nằm ở phía Tây của huyện Tiền Hải, cách trụ sở Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện 1km, phía Bắc giáp thị trấn Tiền Hải, phía Đông giáp xã Tây Sơn, phía Nam giáp xã Tây Tiến, phía Tây giáp xã Phương Công và xã An Ninh.

Tây Giang là xã có địa hình mang tính đặc thù của vùng đồng bằng châu thổ, gắn liền với những đặc trưng của nền văn minh sông nước. Vì vậy, điều kiện tự nhiên ở đây mang những đặc điểm chung của điều kiện tự nhiên trong huyện. Theo thống kê, vào năm 2003 diện tích tự nhiên của xã Tây Giang là 477,7 ha, trong đó đất nông nghiệp là 331,1 ha, dân số 6058 người. Là huyện giáp biển nên khí hậu của Tiền Hải cũng như xã Tây Giang được điều hòa bởi hơi ẩm từ vịnh Bắc Bộ. Gió mùa đông bắc qua vịnh Bắc Bộ tràn vào làm tăng độ ẩm so với những nơi khác nằm xa biển. Vùng áp thấp trên đồng bằng Bắc Bộ vào mùa hè hút gió biển về làm bớt tính khô nóng ở nơi đây.


Có thể nói, Tây Giang là vùng đất có nhiều thuận lợi cho quá trình tụ cư và phát triển kinh tế. Nhưng cũng có không ít khó khăn buộc người dân nơi đây luôn phải vươn mình đấu chọi với tự nhiên. Như vậy, chính những khó khăn cũng đã tạo cho vùng đất này một sức đề kháng mạnh để đương đầu với thử thách và tự tạo dựng cuộc sống tươi đẹp.

Theo các tài liệu và thư tịch cổ cùng với những chứng tích còn lại cho tới ngày nay thì trước khi công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải (1828) diễn ra ở bãi Tiền Châu thì trước đó, ngay từ thế kỷ XVI, XVII lẻ tẻ đã có người đến khai phá, kể từ đó tới nay, địa giới hành chính của xã Tây Giang đã thay đổi rất nhiều.

Thời Pháp thuộc, ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình gồm phủ Thái Bình tách ra từ tỉnh Nam Định và huyện Thần Khê tách ra từ tỉnh Hưng Yên sáp nhập vào tỉnh Thái Bình, tỉnh lị đặt ở phủ Kiến Xương bên sông Trà Lý (thành phố Thái Bình hiện nay). Ngày 28/11/1894, Toàn quyền Đông Dương tiếp tục ra nghị định cắt hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà thuộc phủ Tiên Hưng của tỉnh Hưng Yên sáp nhập vào tỉnh Thái Bình, lấy sông Luộc làm ranh giới giữa hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Lúc này trong xã có nhiều người học hành đỗ đạt cao, được triều đình nhà Nguyễn phong Tước hầu, Tước bá có danh tiếng nên các cụ trong làng xin đổi tên là làng Thư Điền (nghĩa là sách và ruộng). Làng Thư Điền khi ấy gồm có 4 thôn: thôn Đông, thôn Nam, thôn Đoài, thôn Bắc thuộc tổng An Bồi phủ Kiến Xương tỉnh Thái Bình.

Thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tiền Hải đã phân công Thư Điền giành chính quyền ở huyện Tiền Hải. Từ khi tham gia giành chính quyền cùng với Tiền Hải, Thư Điền hội họp sinh hoạt như một xã thuộc huyện Tiền Hải.

Ngày 10/9/1969, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 4228 - NV phê chuẩn việc cắt 5 xã: Bắc Hải, Vân Trường, Phương Công, An Ninh và Vũ Lăng của huyện Kiến Xương về huyện Tiền Hải. Như thế Tiền Hải có 31 xã và 1 hợp tác xã cói Nam Cường. Lúc này, xã Tây Giang được chia thành 22 xóm hành chính.

Ngày 13/12/1986 theo Quyết định số 169/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng thành lập Thị trấn Tiền Hải trên cơ sở lấy 57,6 ha diện tích tự nhiên với 5653 khẩu của xã Tây Sơn. Xã Tây Giang chia lại thành 15 xóm hành chính. Năm 1989 lại chuyển thành 9 xóm.

Ngày 29/8/2002, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã ra quyết định số 65/2002/QĐ - UB bỏ xóm và quy định tổ chức dưới xã là thôn làng. Xã Tây Giang được chia làm 5 thôn là: thôn Đông, thôn Nam, thôn Đoài, thôn Bắc và thêm thôn mới Cát Già. Đến 1/5/2003 toàn tỉnh mới thi hành.

Như vậy, trong từng thời kỳ lịch sử, địa giới hành chính của xã đã có khá nhiều thay đổi và điều chỉnh. Cho đến giai đoạn hiện nay, xã Tây Giang đã ổn định và giữ nguyên địa giới hành chính như đã thi hành từ năm 2003.

Cư dân sống trên đất Tây Giang đều là người Kinh, trải qua bao gian khó từ thời kỳ lấn biển, lập ấp đã hun đúc nên bản tính chất phác, cần kiệm và yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh.

Dân di cư hầu hết là dân nghèo, không có tư liệu sản xuất, thiếu vốn nên chủ yếu dùng sức lao động. Sản xuất lúc đầu là cây lương thực như cây lúa, trồng ngô, khoai, sắn, đậu và rau màu các loại. Bên cạnh đó, họ còn sống bằng nghề đánh bắt cá. Cùng với nghề nông và đánh bắt cá thì nghề làm muối khi ấy cũng rất phát triển. Người dân Tây Giang từ xưa đã rất nỗ lực trong lao động sáng tạo. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Tây Giang chắc tay súng, vững tay cày đã đóng góp không nhỏ cho kháng chiến. Chúng ta có cánh đồng 5 tấn/ha rồi cánh đồng 7 - 8 tấn/ha. Ngày nay là những cánh đồng 10 - 12 tấn/ha. Đặc biệt, người dân Tây Giang từ bao đời vẫn luôn đoàn kết và sống có nhân nghĩa. Đoàn kết là nhân tố quyết định mọi thắng lợi, hình ảnh cụ Tạ Đình Ninh và cụ Lê Lang lại đại diện cho hai họ đầu tiên về lập làng, đoàn kết gắn bó với nhau như anh em nên thống nhất được cả dân làng.

1 nhận xét: