Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

Những cơ sở khoa học nghiên cứu về dòng họ Tạ



Thạc sĩ khoa học lịch sử Phạm Thị Thúy

 Cho đến nay đã có những công trình nghiên cứu về vùng đất, con người Tây Giang và những nhân vật nổi tiếng của dòng họ Tạ ở Tây Giang - Tiền Hải - Thái Bình.


Về truyền thống văn hóa và con người vùng đất Tiền Hải - Thái Bình nói chung và con người xã Tây Giang nói riêng được đề cập đến trong nhiều công trình: Lê Thị Tuyền, Lê Thanh Đài, Phạm Hồng Toàn với cuốn “Mảnh đất con người Tiền Hải” lưu tại Phòng Văn hoá Thông tin Tiền Hải năm 1988 đã viết về con người Tiền Hải với những phẩm chất tốt đẹp, trong đó có người dân làng Thư Điền.

Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tây Giang (1939-2000)” của Ban chấp hành Đảng bộ xã Tây Giang, do NXB Chính trị quốc gia ấn hành năm 2004. Cuốn sách nêu lên truyền thống và sức mạnh quật cường của người dân xã Tây Giang qua nhiều thế hệ.

Lâm Bá Nam (cb) với cuốn: “Lịch sử Đảng bộ huyện Tiền Hải (1926 - 2010)” xuất bản năm 2011 đã dành một phần không nhỏ viết về làng Thư Điền với những nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng Việt Nam.

Ngoài ra, còn có một số nghiên cứu về dòng họ Tạ ở Thái Bình và những di tích của dòng họ này như: “Bảng kê danh sách các làng có đình thờ Thành hoàng của huyện Tiền Hải” (1992), được lưu trữ tại Thư viện tỉnh Thái Bình, thống kê Đình Chính thờ Thành hoàng làng là Tạ Quốc Công đã được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia cũng được đề cập rõ nét.

Năm 1999, một cuộc Hội thảo khoa học có giá trị mang tên: “Văn hóa dòng họ ở Thái Bình” được tổ chức thành công tại Thái Bình. Trong đó đề cập khá nhiều đến dòng họ Tạ ở làng xã Tây Giang - Tiền Hải một dòng họ có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cũng trong năm đó,  Bảo tàng Thái Bình xuất bản cuốn “Di tích lịch sử văn hóa Thái Bình tập 2” đã vinh danh dòng họ Tạ với những di tích do dòng họ này xây dựng, những di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Cùng với đó là những tác phẩm viết về những nhân vật họ Tạ như cuốn: “Nhân vật của tỉnh Thái Bình” do Nguyễn Đức Đạm biên soạn đã nhắc đến những nhân vật họ Tạ nổi tiếng và có rất nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng là Tạ Ngọc Phách (tức Trần Độ) và Tạ Xuân Thu.

Năm 2006, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã cho ra mắt cuốn sách: “Nhà văn Thái Bình 1945 - 2005” do Đức Hậu và Phạm Minh Đức chủ biên. Tập kỷ yếu đã giới thiệu 45 nhà văn, nhà thơ, dịch giả là hội viên Hội Nhà văn là người Thái Bình hoặc quê tỉnh ngoài nhưng cả đời gắn bó với Thái Bình - coi đây là quê hương thứ hai. Trong đó, chiến sĩ - nhà văn Trần Độ (Tạ Ngọc Phách) và những tác phẩm của ông đã được giới thiệu đến đông đảo bạn đọc.

Tháng 10 năm 2007, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành cuốn “Chuyện tướng Độ. Cuốn sách vẽ lại chân dung của Trần Độ (tức Tạ Ngọc Phách), là một vị tướng nổi tiếng tài ba đồng thời là nhà văn đã gắn chặt đời mình vào cây súng và cây bút đi cùng dân tộc suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại.

Qua cuốn “Từ điển Thái Bình” do Nguyễn Quang Ân chủ biên, được Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình ấn hành năm 2010 ta có thể tìm thấy nhiều trang viết về dòng họ Tạ và những nhân vật tiêu biểu của dòng họ như Tạ Thị Câu, Tạ Ngọc Lam, Tạ Ngọc Giản, Tạ Xuân Thu, Tạ Ngọc Phách - những nhà cách mạng kiên trung với những đóng góp không nhỏ cho cách mạng Việt Nam.

Cuốn “Tài liệu địa chí Thái Bình” gồm 7 tập do Nguyễn Quang Ân và Bùi Công Phượng đồng chủ biên (2011) đã giới thiệu các nguồn thư tịch, văn khắc Hán Nôm như: Sắc phong, thần tích, gia phả… của các địa phương nổi tiếng ở tỉnh Thái Bình.

Qua việc khảo cứu những công trình đã xuất bản, chúng tôi thấy rằng hầu hết các tác giả đã ít nhiều đề cập đến dòng họ Tạ và một số thành viên tiêu biểu của dòng họ này. Vì vậy, việc nghiên cứu sâu sắc hơn, toàn diện hơn về lịch sử - văn hóa dòng họ này hứa hẹn mang lại những đóng góp hữu ích, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét