Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

Bia ghi ở đền thiêng


Dịch nghĩa:


Bia dựng ngày 3 tháng 3, năm Tự Đức thứ 31 (1872)

Bia ghi ở đền thiêng


Khí thiêng trời đất đã hun đúc nên thánh thần danh tướng. Từ xưa đến nay và mãi mãi sau này vẫn tồn tại như núi cao sông lớn, không thể nào mai một được. Đã có khí tiết ấy ắt phải phát dương chiếu sáng khắp nơi. Lấy công đức lớn che chở, ngăn ngừa mọi tai nạn cho dân, công đức của thần với dân thật không nhỏ. Vì vậy người dân góp công sức lập nên miếu mạo, bia tượng lưu truyền, tôn nghiêm sùng kính. Việc đó đâu phải là xiểm nịnh thần.

Vùng muối phía Nam vốn có hai ngôi đình. Đình Bắc thờ Trần triều thượng tướng quân đại soái thượng phu Hưng Đạo Đại Vương. Đức đại vương là bậc chí thân của hoàng tộc, trời phú cho ngài đức trung dũng chém Toa Đô, đuổi Thoát Hoan đánh bại giặc Nguyên, lập nên kỳ công hiển hách, rạng rỡ ngàn xưa ghi trong sử xanh. Trải bao triều đại xếp bậc thượng đẳng, đến nay không đổi. Triều đình lại đặc biệt cho xã này làm phu quét dọn đền miếu này. Vậy đâu phải đợi có văn bia này rồi sau thần mới hiển hách. Đình Nam đã có tiếng tăm ngàn xưa truyền lại. Nơi đây thờ Thuỷ Đức tôn thần, tôn xưng Quảng Lợi Đại Vương. Đã có sắc triều Lê phong thưởng, đến triều Nguyễn ta cũng phong tặng ngang với triều Lê.

Còn câu hỏi đình này được sáng lập từ bao giờ. Nay còn giữ được tấm bia gỗ (mộc bài) có ghi rõ khoảng năm Ngọ năm Mùi để thờ “Điện tiền chỉ huy sứ Tạ quốc công”, nhưng không rõ tên. Còn việc muốn biết rõ tên ngài là gì, kê trong sử nước ta ở đời Trần hoặc đời Lý có chức quan ấy. Đã từ lâu, gạch ngói và mọi vật trong đền đều bị huỷ hoại, nhiều người cảm khái! Căn cứ vào nội dung sắc phong rằng: “Những năm bị tai hoạ lớn, thần đã đem hết sức lực cứu dân”. Khoảng năm Nhâm Thân, dân ấp đã hồi phục ruộng vườn. Kỳ mục chức sắc lại cùng nhau xây dựng mới ba toà đình Bắc (đình Quế), hai cung hoàn toàn mới. Một cung vẫn để như cũ. Còn đình Nam xây dựng có ba toà thì mới lại hai toà, bái đường bên ngoài (nhà làm lễ cúng tế) được trùng tu và tô vẽ cho rực rỡ hơn. Từ đó ngôi đình Nam nổi bật vẻ đẹp nguy nga, hào hùng tráng lệ, đứng sừng sững giữa làng hiên ngang, đồ sộ. Mặt trước nổi lên tam quan chung đài vọng các, xa trông ngoạn mục kỳ quan. Trên từng không lâu đài chót vót, chim lượn, mây bay, ẩn hiện ảo huyền pha nhiều màu sắc. Dưới mặt đất đền đài hùng vĩ, nước hồ sóng gợn, cá bơi, in bóng lâu đài, pha lẫn áng mây trời hồng biếc.

Quá trình hoàn tất trải thời gian năm, sáu năm, mãi đến tháng ba năm Mậu Dần mới hoàn thành công trình xây dựng. Mọi khoản chi phí không phải phân bổ phiền nhiễu đến dân đinh, hết thảy đều thu vào lệ hiếu, làm xong việc ghi vào bia, xin tôi bài văn. Các cụ kể cho tôi nghe việc làm đình và hỏi tôi về sự tích vị thần còn chưa rõ ràng được thờ ở đình Nam. Tôi (tên là Bồi Tề) đáp rằng: “Phàm các việc liên quan đến khảo cổ, đối với chỗ nghi ngờ, ta nên đoán bằng suy lý thôi, chứ vì thiếu tài liệu thì làm sao nói chính xác được. Nơi tế lễ xuân thu hương khói, có vị trí xứng đáng trong vũ trụ.

Vị trí của đình, phía Tây Bắc nhiều núi, phía Đông Nam nhiều sông, tạo nên tư thế thiên nhiên từ xưa vốn có. Nay xem phía Đông Nam là cửa Ba Lạt, rồi cửa Lân đến cửa Trà. Các cửa bể cách nhau không xa lắm, khoảng trên dưới mười dặm. Đây là một vùng biển muối phì nhiêu và bền vững.

Ngôi đình Nam thờ thần Nam Hải tối linh, rất rực rỡ là phải. Ngài đã có công lớn phù Lê, dựa theo năm Thiên Bảo nhà Đường tôn thần làm Quảng Lợi Vương. Việc tôn sùng cao nhất đã bắt đầu từ đó. Theo đó mà nói thì thứ hạng của thần là bậc vương chứ không phải là tước công.

Diệu pháp tu tạo đình Nam đã khơi dậy lòng người thêm tôn kính, cách làm bài bản. Dùng hiếu lệ khơi dậy hiếu tâm, nhất cử lưỡng tiện rất phù hợp lòng ngươi và thuần phong mỹ tục có tự xa xưa. Còn việc cái đình này có từ bao giờ, cũng không nên đào sâu.

Minh rằng:

Ao trời mênh mang

Đức thiêng của nước lâu dài

Ơn trạch thấm nhuần muôn dặm

Ơn huệ lớn vô cùng

Tiếng thiên thần hiển hách

Miếu thờcao vòi vọi

Là Nam đình và Bắc đình

Làm cho mọi người thấy gần kề

Hãy chiêm ngưỡng Nam đình

Đài gác cao ngất

Các loại thuỷ tộc đến chầu

Nào ngao lớn nào cá voi dài

Thân thì bao la ở trên đầu

Mênh mông không thể tả xiết

Sổ thờ cúng ít biết đến

Vậy tôi xin thuật lại làm bài văn khắc vào đá.

Người soạn văn bia là ông Vũ Đăng Thực, nguyên quán Thanh Oai, đỗ cử nhân, Tri huyện Vụ Bản Vân Đình.

Người viết bia là ông Hà Khánh, một nho sĩ của xã nhà.

Tổng cộng số tiền thu của lệ hiếu, hương sinh, hương nhiêu, hương hậu là một vạn ba nghìn ba trăm bốn mươi tám quan.

(theo Tài liệu Địa chí Thái Bình, tập IV, do Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam và Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch Thái Bình xuất bản tháng 02/2009 -  tài liệu do ông Tạ Văn Kha (Chi 4) cung cấp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét